Ngày 9/1, ngày truyền thống học sinh, sinh viên sắp đến, chúng ta cùng tìm hiểu về anh hùng Trần Văn Ơn nhé.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tầng lớp nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền Cộng hòa non trẻ. Từ giữa năm 1949 đến đầu năm 1950, phong trào đấu tranh của thanh niên học sinh, sinh viên chống chủ nghĩa thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, chống “độc lập” giả hiệu, chống khủng bố đàn áp, đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, đòi được học tiếng mẹ đẻ … đã diễn ra rầm rộ, liên tục và rộng khắp khắp hai miền Nam - Bắc.
Ngày 09/01/1950, Đoàn thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường Pháp - Việt tại Sài Gòn như Pétrus Ký, Chasseloup Laubat, Marie Curie, Taberd, Gia Long, Huỳnh Khương Ninh, Việt Nam học đường, Lê Bá Cang, Nguyễn Văn Khuê, Mỹ thuật Gia Định, trường Pháp lý, Y Dược,… cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn biểu tình đòi bảo đảm an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt, trong đó có Ban lãnh đạo học sinh cứu quốc Sài Gòn.
Đoàn biểu tình kéo đến Nha học chính và Dinh thủ hiến bù nhìn đưa đơn thỉnh nguyện. Bọn cảnh sát và lính đã đàn áp dã man đoàn biểu tình. Thái độ đó đã làm đám đông phẫn nộ và bùng nổ cuộc xung đột. Những người biểu tình dùng mọi thứ vũ khí có trong tay chống trả quyết liệt với lính Pháp, lính Âu Phi và cảnh sát Bình Xuyên. Nhiều em học sinh ngã gục trước sự đàn áp dã man.
Trần Văn Ơn - người thanh niên tiêu biểu cho lòng yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của học sinh, sinh viên.Anh Trần Văn Ơn cùng một số học sinh lớn tuổi phải đưa lưng hứng chịu những trận đánh bằng dùi cui, gậy gộc để che cho các học sinh nhỏ tuổi, các nữ sinh chưa kịp thoát ra. Cuối cùng nhóm học sinh còn lại mặc dù rất kiên cường chống trả, nhưng bị bao vây, trên mình đầy thương tích… phải tháo lui vượt hàng rào kẽm gai sang những dãy nhà bên cạnh. Anh Trần Văn Ơn không quản ngại khó khăn đạp đổ hàng rào sắt, dẫn một số anh chị học sinh lui vào góc tường sau một toà nhà và lần lượt đưa từng anh chị em vượt tường thoát ra ngoài.
Bọn cảnh sát bắt đầu nổ súng, khép dần thế bao vây – người nữ sinh sau cùng vừa thoát ra khỏi đầu tường thì bọn cảnh sát xuất hiện sau lưng anh, nhiều loạt đạn nổ về phía anh và một phát đạn đã hạ gục anh gần chân tường mà trong tay anh không một tấc sắt. Nhiều học sinh ở phía trước gian nhà chạy đến giúp đỡ anh, nhưng bọn cảnh sát man rợ đã đây lui bằng dùi cui, súng lục… Anh Trần Văn Ơn đã anh dũng ngã xuống. Hơn 60 anh chị em học sinh còn trong vòng vây bị vùi dập dưới những trận đòn khốc liệt. Sau đó chúng đem các học sinh bị thương vứt vào một phòng cấp cứu ở bệnh viện.
Anh hy sinh vào lúc 15 giờ 30 phút chiều ngày 09/01/1950 khi chưa tròn 19 tuổi. Cái chết của anh Trần Văn Ơn đã biến thành cuộc biểu tình thị uy của trên 5 vạn người đứng trên các hè phố tiễn đưa anh. Trước linh cữu anh là hương án có 2 câu viết bằng máu của học sinh:
“Chết vì tổ quốc, chết mà vẫn sống,
Sống kiếp Việt gian, ô nhục muôn đời”.
Lễ tang anh Trần Văn Ơn cũng đã được cử hành trên khắp các tỉnh thành trong cả nước. Hàng triệu lượt học sinh, sinh viên và đồng bào các giới đã đeo băng tang truy điệu với lòng thương tiếc và xuống đường tuần hành bày tỏ ý chí căm thù giặc và ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai. Trong số đó, điếu văn của đại biểu các học sinh, sinh viên có đoạn: “
Chúng ta sẽ không bao giờ quên được ngày 9 tháng 1- ngày mà anh Trần Văn Ơn và các bạn học sinh, sinh viên đã đem xương máu, sinh mạng của mình đổi lấy tự do cho các bạn bị giam cầm. Tinh thần Trần Văn Ơn bất diệt!”
Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh - sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2 năm 1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 09/01 hàng năm là Ngày truyền thống học sinh - sinh viên.
Phụ trách thư viện
Mai Thị Bích Ngọc ( Sưu tầm)
Chúng tôi trên mạng xã hội