Góp chút yêu thương

Thứ hai - 02/08/2021 13:55
Góp chút yêu thương
 

Những ngày cuối tháng 7 mưa nhiều trên mảnh đất Thủ Dầu Một thân thương. Người ta thường gặp những vết loang lổ còn sót lại trên mặt đường. Thỉnh thoảng có cơn giông chiều lia qua, tấp lại trên từng mái phố, rửa mát cho cây cỏ mà sao lòng nghe chật chội nỗi buồn. Trên những con đường ướt sũng vì mưa, có bao con người đang lặng lẽ thực hiện nhiệm vụ trực chốt chống dịch Covid-19. Trong số họ, có những người thầy, những người bạn đồng nghiệp công tác tại trường THCS Chu Văn An – thành phố Thủ Dầu Một đang cùng nhau hỗ trợ các lực lượng chống dịch Covid-19.
Dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh khắp tỉnh Bình Dương. Số ca lây nhiễm ngày một tăng cao, điểm chốt chặn kiểm tra giấy tờ được cấp phép lưu hành cũng vì thế mà tăng cường thêm. Các lực lượng công an, bộ đội, dân quân bị thiếu nhiều. Trước tình hình dịch bệnh nguy hiểm đó, hưởng ứng lời kêu gọi của các cấp ủy Đảng phường Hiệp Thành, chúng tôi, những thầy cô giáo đã không quản ngại nắng mưa, không lo nghĩ nhiều đến mức độ nguy hiểm của đại dịch Covid-19 mà tình nguyện đăng kí tham gia chống dịch. Những cuộc điện thoại của Ban Giám hiệu nhà trường hỏi ý kiến đến nhiều giáo viên, chúng tôi nhiệt tình đón nhận nhiệm vụ. Trong danh sách, tôi thấy đợt 1 (từ 19/7 đến 24/7) có các em đoàn viên giáo viên. Họ vừa thực hiện xong nhiệm vụ ở trường, giờ đây họ tiếp tục nhận nhiệm vụ mới: hỗ trợ các anh dân quân trực chốt chống dịch. Chúng tôi biết rõ các em ấy là ai nhưng cũng muốn ghi thêm ra đây như một cách bày tỏ lòng biết ơn. Em Phạm Văn Năm, em Nguyễn Thùy Như Quỳnh, em Phạm Ngọc Mai, em Phạm Thị Ngọc Dung được chia trực thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công. Mới sáng sớm các em đã có mặt, trưa các em lại thay nhau ca trực cho đến khi mặt trời chếch buổi hoàng hôn, các em mới trở về nhà.
Kết thúc đợt 1, trường THCS Chu Văn An chúng tôi tiếp tục nhận được lời kêu gọi giáo viên tình nguyện tham gia trực chốt (từ 25/7 đến 01/8). Danh sách lần này phủ đầy mặt giấy. Trong danh sách, có những thầy cô sắp bước vào ngưỡng 50. Dẫu vậy, họ vẫn mong muốn góp chút công sức nhỏ bé của mình vào cuộc chiến chống lại dịch bệnh này. Thầy Hoàng Văn Quế, thầy Lê Tiến Hải, thầy Phạm Hoàng Long, thầy Vũ Văn Bình, cô Hoàng Thị Thanh Tú, cô Nguyễn Thị Vàng, cô Nguyễn Thị Huyền, thầy Trần Thế Nhân, thầy Lê Trọng Hiếu, cô Nguyễn Ánh Hồng, cô Nguyễn Thị Hồng Hà,… đã tình nguyện tham gia chia sẻ cùng các lực lượng chủ chốt ở địa phương thuộc phường Hiệp Thành.
Tôi may mắn được tham gia đợt chống dịch lần này. Mỗi ca trực ngắn ngủi đều cho tôi một trải nghiệm ý nghĩa. Có rất nhiều câu chuyện vương mang trong những ngày cả thành phố bị thương. Nhiều hôm đang trực, chúng tôi gặp mưa. Tạm nép vào nhà người dân, nhìn ra ngoài đường Phạm Ngọc Thạch rộng thênh thang ba bốn làn xe, tiếng còi xe cấp cứu chạy thúc vào hướng bệnh viện dã chiến. Qua tấm kính xe ướt sũng nước mưa, chúng tôi thấy người ngồi trong xe để đi vào khu cách li chật kín. Họ không may bị “0”. Chúng tôi bất thần, nhìn theo chiếc xe khuất dần, cảm giác như có vết gì cứa thẳng vào tâm can. Hôm nay, có thầy kể cho tôi nghe trường hợp một anh chồng bị bệnh tim, không tự chạy xe được phải nhờ vợ chở. Anh đau mấy hôm rồi, nhưng vì bệnh viện quá tải, vả lại tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, xét thấy tự chăm sóc ở nhà được nên bác sĩ kê toa cho anh rồi mua thuốc ở nhà tự điều trị, chừng nào nặng mới vào cấp cứu. Lại nữa, một chị gửi con mấy ngày nay cho người thân ở phường Phú Mỹ kế bên, nhưng nay em bị sốt xuất huyết, mẹ qua rước về mà không có giấy test covid nên đành gửi tạm con lại. Chị tìm đến trạm y tế test rồi mới được rước con về. Tưởng nhanh mà cũng mất cả buổi trời do đi lại khó khăn vì dịch bệnh. Nhưng cảm động vẫn là mấy anh shipper. Họ miệt mài trên từng cuốc xe giao cho kịp hàng nhu yếu phẩm đến tận tay hộ dân đang ở yên trong nhà chống dịch. Trời mưa, có lúc anh không kịp mặc áo mưa, chỉ chạy cho kịp chuyến, sợ chiều, kết thúc trước 18 giờ - giờ giới nghiêm. Rồi còn nhiều câu chuyện mà chúng tôi được nghe họ trình bày khi không có giấy tờ được cấp phép đi lại, nhưng chúng tôi xin cất gọn trong tim, nhường niềm tin và sự lạc quan cho những điều tốt đẹp sẽ đến. 
Em dân quân trực chung còn trẻ, tuổi ngoài 25. Em tên Bùi Nguyễn Chánh Trực, nhà ngay trên đường Nguyễn Đức Thuận. Có em và các chú trong đội nhiệt tình hướng dẫn, giải quyết một số tình huống khó nên đã giúp chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trước ngày nhận công việc tham gia trực chốt, tôi cũng có chút băn khoăn vì bản thân chưa hình dung được ngày mai ra sao. Nhưng gặp Trực, em lạc quan, mạnh mẽ, sẵn sàng tham gia cuộc chiến chống lại đại dịch cho đến ngày kết thúc. Tôi chợt có thêm niềm tin vào bản thân, vào những người thầy, người bạn đồng nghiệp, rằng nếu có đợt 3 hay đợt 4 thì tập thể giáo viên chúng tôi vẫn sẵn sàng tình nguyện tham gia, mặc dù tôi không mong muốn có bất kì đợt dịch nào nữa xảy đến, để dịch bệnh được qua mau.
Có những mẩu chuyện rất đời chúng ta vẫn thường gặp trong cuộc sống, nhưng khi dịch xảy ra, chúng trở thành những câu chuyện cảm động và đầy nghĩa cử nhân văn. Có những hoàn cảnh để lại trong lòng chúng tôi nhiều nỗi niềm trắc ẩn, nhưng vì lợi ích chung của cộng đồng, chúng tôi buộc phải nói “Không”, phải giải thích để người dân hiểu, vui vẻ quay về, ở bình yên trong nhà và an tâm chống dịch.
Chúng tôi – những người thầy – vì lòng yêu Tổ quốc, vì tình yêu quê hương, mong muốn đại dịch sớm kết thúc đã chủ động tình nguyện tham gia chiến dịch này. Chúng tôi cũng rất vinh dự và tự hào khi được đeo lên tay áo chiếc Bandroll màu đỏ thắm, tấm bảng tên vừa đủ khắc lên dòng chữ “Đội tình nguyện viên phòng chống Covid-19” đặng góp chút yêu thương mong ngày chiến thắng đại dịch này.
Sau đợt dịch có một số thầy cô còn chia sẻ với BGH trường chúng tôi rằng nếu có cần gì, các cô cứ gọi điện cho em, em sẵn sàng tham gia hỗ trợ chống dịch. Tôi thầm cảm kích trong lòng, thầm biết ơn và cầu mong mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mọi người, với thành phố Thủ Dầu Một và các thành phố, các huyện thị khác trong tỉnh Bình Dương.
Nguồn: Trường THCS Chu Văn An
 
 
 
 

 
 
 
 
 
 
 
  



 

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản mới

299/PGDĐT

Ngày ban hành: 11/03/2024. Trích yếu: Triển khai khảo sát thực trạng phát triển năng lực số cho học sinh THCS

Ngày ban hành: 11/03/2024

162/PGDĐT

Ngày ban hành: 31/01/2024. Trích yếu: Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong các cơ sở giáo dục năm 2024

Ngày ban hành: 31/01/2024

293/PGDĐT-TCCB

Ngày ban hành: 08/03/2024. Trích yếu: Triển khai một số nội dung liên quan đến việc đi nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức

Ngày ban hành: 08/03/2024

202/PGDĐT

Ngày ban hành: 21/02/2024. Trích yếu: Báo cáo kết quả tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo

Ngày ban hành: 21/02/2024

212/PGDĐT

Ngày ban hành: 23/02/2024. Trích yếu: Triển khai an toàn thông tin, tham gia môi trường mạng an toàn đối với hoạt động giảng dạy, quản lý giáo dục

Ngày ban hành: 23/02/2024

Truyền hình giáo dục
Thăm dò ý kiến

Bạn chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt nào để thanh toán các khoản phí quy định của nhà trường?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập16
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm12
  • Hôm nay2,625
  • Tháng hiện tại155,554
  • Tổng lượt truy cập19,049,939
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây